Tai tiếng siêu công viên nghĩa trang Thiên An Viên phần nào cho thấy tầm quan trọng của đất quốc phòng Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung?
Tốn hàng trăm tỷ để 'tiễn đưa' khu căn cứ chiến đấu số 1 dọn đường cho siêu công viên nghĩa trang?
Thời gian vừa qua, Tầm nhìn điện tử báo đăng tải loạt bài: Vĩnh Phúc hy sinh đất quốc phòng để làm siêu công viên nghĩa trang phần nào phản ánh việc tỉnh Vĩnh Phúc phá nát quy hoạch vùng và hi sinh khu căn cứ chiến đấu số 1 của tỉnh với nhiều điểm cao quân sự và diện tích đất đai ưu tiên riêng cho nhiệm vụ quốc phòng để tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn xây dựng và mua bán đất nghĩa trang Thiên An Viên ngay tại khu cửa ngõ của Thành phố Vĩnh Yên. Mặc dù báo chí và dư luận đã chỉ ra một loạt các bất cập xung quanh việc triển khai dự án nhưng Vĩnh Phúc vẫn chưa có động thái dừng lại dự án tai tiếng này.
Theo đó, sau hàng loạt các bài báo được đăng tải trên Tầm nhìn, ngày 22/9/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn số 5890/UBND-NC1 về việc "Phúc đáp Báo Điện tử Tầm nhìn về dự án khu công viên nghĩa trang Thiên An Viên" để chuyển tải thông điệp là Vĩnh Phúc đã chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư dự án Thiên An Viên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn tạm dừng các bước triển khai dự án để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch.
Điều đáng nói là trong công văn nêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn chưa dám quyết việc trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch vì trong công văn có đoạn: "Hiện nay, Sở Xây dựng đang nghiên cứu, tổng hợp toàn bộ các nội dung đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có nội dung quy hoạch dự án trên) để báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh cho ý kiến về chủ trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh theo quy định". Tuy nhiên, cũng trong công văn này, dường như UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã mặc định coi việc điều chỉnh quy hoạch sẽ được Thủ tướng thông qua khi nêu rõ: "Sau khi được Thủ tướng chấp thuận cho yêu cầu điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh sẽ căn cứ nội dung được điều chỉnh bổ sung để báo cáo đề xuất với Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc triển khai tiếp theo với phương án phù hợp".
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao một dự án với hàng loạt các bất cập, đi ngược lại với hàng loạt các quy hoạch của Thủ tướng về đô thị và đất quốc phòng nhưng Vĩnh Phúc vẫn cố gắng "bảo vệ" dự án Siêu công viên nghĩa trangThiên An Viên tới cùng? Ngoài ra, dư luận cũng không khỏi băn khoăn là dự án công viên nghĩa trang vốn là dự án công trình được xếp vào nhóm xử lí chất thải nhưng lại nghiễm nhiên nằm "chềnh ềnh" ngay cửa ngõ vào thành phố Vĩnh Yên thay vì các địa bàn xa khu dân cư để tránh tình trạng ô nhiễm.
"Tôi còn lo ngại cả yếu tố về tâm linh và mĩ quan đô thị vì theo truyền thống người Việt, đất nghĩa trang vốn là nơi an nghỉ của người đã khuất nên rất cần nơi an tĩnh. Đằng này, Vĩnh Phúc lại chủ trương đem đặt sieu cong vien nghia trang ngay ở "cửa nhà" của tỉnh mình. Nếu coi Vĩnh Phúc là một ngôi nhà lớn thì việc trước cửa ngôi nhà đó có 1 nghĩa trang to đùng là điều tối kị", bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó GĐ Trung tâm Quản lí dữ liệu về Liệt sĩ và Người có công nhận xét.
Ở một diễn biến khác, chúng tôi phát hiện một chi tiết thể hiện việc tỉnh Vĩnh Phúc nhiều khả năng đã chuẩn bị "tiễn đưa" Khu căn cứ chiến đấu số 1 của tỉnh với các điểm cao chiến đấu ưu tiên riêng cho nhiệm vụ quốc phòng - là nơi có 1 phần diện tích khoảng 35 -40 héc ta về một nơi khác để dọn đường cho sự ra đời của sieu cong vien nghia trang Thiên An Viên. Theo đó, tại công văn số 166/BCH-PMT được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc kí ngày 20/1/2015 đã có ý kiến với tỉnh Vĩnh Phúc như sau: "Hoàn toàn nhất trí với chủ trương đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang tại khu vực Núi Bông và một phần đất đồi tại xã Định Trung/Vĩnh Yên, Kinh Long/Tam Dương. Kính đề nghị UBND tỉnh cho chuyển khu căn cứ chiến đấu khu vực Núi Đinh của tỉnh vào khu căn cứ chiến đấu tại xã Trung Mỹ/Bình Xuyên (hiện nay đã xây dựng)".
Xin nhắc lại rằng, cũng tại công tại công văn số 166/BCH-PMT được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc kí ngày 20/1/2015 có nêu: "Tại điểm cao 204 Núi Đinh/Kim Long/Tam Dương là địa hình loại 1, có địa hình đặc biệt quan trọng, ưu tiên riêng cho nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Quân khu 2 và tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt diện tích 300 ha là khu căn cứ chiến đấu của tỉnh". Trong khi đó, tại Công văn số 920/UBND-CN1 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kí ngày 13/2/2015 về việc: "Đề nghị điều chỉnh căn cứ chiến đấu số 1 của tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện dự án Xây dựng khu công viên nghĩa trang tại Phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên và xã Kim Long, huyện Tam dương, tỉnh Vĩnh Phúc" do ông Nguyễn Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh phúc ký có nêu rõ: Qua khảo sát thực địa (có sự tham gia của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan), khu vực dự kiến quy hoạch xây dựng Khu công viên nghĩa trang có một phần diện tích (khoảng 35-40 ha) thuộc khu căn cứ chiến đấu số 1, tỉnh Vĩnh Phúc theo quyết định số: 2412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ".
Chúng tôi xin lưu ý với bạn đọc chi tiết mà Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã nêu tại công văn số 166/BCH-PMT là: Chuyển Khu Căn cứ chiến đấu khu vực Núi Đinh của tỉnh vào khu căn cứ chiến đấu tại xã Trung Mỹ/Bình Xuyên (hiện nay ĐÃ XÂY DỰNG). Như vậy, chưa cần tới ý kiến của Bộ Quốc phòng hay điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng về đất quốc phòng (thực chất, với đô thị loại 2 như Vĩnh Yên, muốn điều chỉnh quy hoạch đất quốc phòng phải có sự phê duyệt của Thủ tướng) nhưng Vĩnh phúc đã sẵn sàng hoặc thậm chí là đã "đẩy" khu căn cứ chiến đấu số 1 đi tới một địa bàn khác?!
Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia quân sự mang hàm Tướng xin giấu tên bình luận về vấn đề này như sau: "Việc chuyển một khu căn cứ chiến đấu số 1 có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng thủ địa bàn, khu vực sang một địa bàn khác sẽ kéo theo việc suy yếu của hàng loạt các khu vực phòng thủ khác và thế trận an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, việc dẹp đi một khu căn cứ chiến đấu cũ để xây dựng thêm một khu căn cứ chiến đấu mới cũng có thể gây tốn kém hàng trăm tỷ đồng bởi khu căn cứ chiến đấu cũng như các công trình quân sự luôn có một yêu cầu và tiêu chuẩn rất cao trong xây dựng và bố trí địa bàn, địa hình để đảm bao các yếu tố trong phòng thủ, chiến đấu. Sẽ rất khó để lấy được con số thực tế vì đó là bí mật quân sự nhưng theo tôi chi phí dẹp đi một khu căn cứ chiến đấu cộng với chi phí xây dựng một khu căn cứ chiến đấu mới tốn cả trăm tỉ chứ chả ít!"
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong số báo tiếp theo.
Theo nhóm PV Tầm nhìn điện tử báo.
Từ khóa:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét